TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
Hưng Thạnh là vùng đất mới được khai phá từ trào lưu “Nam tiến” của lưu dân người Việt vào chinh phục vùng đất phương Nam, tính đến nay đã hơn ba thế kỷ. Đến vùng đất mới hoang vu, rừng rậm, thú dữ, muỗi, mòng, tuy nhiều tiềm năng nhưng cũng hết sức khắc nghiệt, các thế hệ cư dân nơi đây đã vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm sản xuất từ bản quán, cải tạo, biến đổi phù hợp với vùng đất mới. Quá trình chinh phục tự nhiên, cần cù lao động, ngăn chặn thú dữ, xây nhà, cất chợ, đắp đường, đào ao…đã tạo nên đặc trưng văn hóa của cư dân Hưng Thạnh được lưu truyền qua nhiều thế hệ đến nay.
Nguồn gốc của lưu dân người Việt ở Hưng Thạnh xuất phát từ miền Trung, họ vốn là con cháu của những người khí phách hiên ngang, không cam chịu sống trong cảnh áp bức bất công, bất mãn với tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn đánh nhau liên miên nên đã rời bỏ quê hương tìm đến vùng bưng trấp hoang vu để tạo dựng cuộc sống mới. Thuở ban đầu, dân cư còn thưa thớt, dần về sau ngày một đông hơn.
Sau ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975, thực hiện chủ trương khai phá vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, nhân dân các huyện phía Nam của tỉnh, người dân từ các tỉnh Đồng Tháp,Tiền Giang... đã đến vùng đất Hưng Thạnh, khai hoang lập nghiệp, tạo dựng cuộc sống. Từ đó, các thế hệ tiếp theo luôn giữ gìn và phát huy các chuẩn mực đạo đức của cha ông, hình thành nên truyền thống đoàn kết, gắn bó “tình làng nghĩa xóm”, tinh thần cao cả“lá lành đùm lá rách”, góp phần hình thành tính cách của người dân Đồng Tháp Mười luôn hiếu khách, cởi mở và phóng khoáng.
Về phong tục, tập quán, cư dân nơi đây kế thừa từ quê cũ (miền Trung), biến đổi để phù hợp và thích nghi với điều kiện tự nhiên-xã hội ở vùng đất mới. Những nghi lễ đời thường như cưới xin, tết nhất, đầy tháng, đầy năm...nơi đây giống như những địa phương khác ở Nam Bộ. Ngày nay, vì nhiều lý do khác nhau, phần lớn phong tục tập quán bị mai một, một số phong tục không còn nữa.
Về tín ngưỡng, cư dân từ bao đời nay đều trồng lúa nước nên họ xem trọng việc thực hiện các lễ nghi nông nghiệp, cầu quốc thới dân an, mùa màng tươi tốt...Hiện xã còn một số tín ngưỡng như thờ ông Địa, cúng thần Nông...
Về nghề truyền thống, phần lớn nhân dân địa phương sống bằng nghề nông, làm ruộng và chăn nuôi. Trước đây, trong những lúc nông nhàn, một bộ phận nông dân sinh sống bằng nghề đươn đệm bàng, đươn lưới...Hiện nay, nhiều mặt hàng tiêu dùng đa dạng, nghề truyền thống dần mai một và không còn.
Xã Hưng Thạnh có nhiều địa danh như gò Gòn, gò Ông Tà, gò Rọc Chanh...trong đó gò Gòn là địa danh nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Theo lời các cụ cao niên, ngày xưa gò này khá cao so với xung quanh, trên gò có một cây gòn cổ thụ, cành lá xum xê nên người dân địa phương gọi là Gò Gòn. Địa danh này còn được biết đến là một di chỉ khảo cổ quan trọng. Trong quá trình nghiên cứu, điều tra và đào thám sát các di chỉ khảo cổ vùng Đồng Tháp Mười, Gò Gòn được phát hiện và các nhà khảo cổ xác định đây là di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Gò Gòn còn là địa điểm lịch sử, nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây, ngày 3/2/1960 đã diễn ra trận đánh lịch sử của quân dân Kiến Tường tiêu diệt lực lượng biệt kích Ó đen trong phong trào Đồng khởi-1960.
Có thể nói, Hưng Thạnh là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa. Truyền thống này là nguồn sức mạnh tinh thần quan trọng, tạo nền vững chắc để Đảng bộ và nhân dân địa phương vững bước trên con đường đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ quê hương.